Phân tích Sông Hương đoạn chảy trong thành phố Huế – PHÂN TÍCH CHUYÊN SÂU AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

MỞ BÀI:
Tôi còn nhớ nhà thơ xứ Dagestan Rasul Gamzatov đã từng chiêm nghiệm về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ bằng đôi câu thơ: “Vũ khí chỉ dùng đến một lần, cần phải mang theo suốt đời/ Bài thơ mà anh sẽ ngâm nga suốt đời, chỉ viết trong một lần” (Dagestan của tôi). Và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – bài bút ký “ngâm nga” mãi mãi chỉ được viết khi Hoàng Phủ Ngọc Tường soi chiếu vào gương mặt con sông quê hương, vào không gian một miền sông nước, một miền thơ xứ Huế mà ông đã viết bằng tất cả tâm sức và tình cảm, thậm chí cả tinh hoa và tinh huyết của một đời văn. Chính cái khoảnh khắc ấy, tác giả viết về sông Hương khi chảy vào thành phố Huế mà lột tả sâu sắc cái nhìn độc đáo của ông về thiên nhiên đất nước.
THÂN BÀI:
Với quan niệm “trước khi biến thành mực chảy qua ngòi bút, những gì nhà văn viết ra đã chảy qua tim như một dòng máu”, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xông xáo đi vào những nơi mũi nhọn của cuộc sống và những nơi anh qua đều có để lại trang viết. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được viết ở Huế năm 1981, viết về sông Hương như món nợ, như tri ân với mảnh đất Huế tuyệt đẹp và giàu truyền thống văn hóa. Đoạn trích nằm ở phần đầu của thiên bút ký. Bút ký ấy là kết quả mối lương duyên giữa một tâm hồn nghệ sĩ giàu cảm xúc, tinh tế có tình yêu xứ sở tha thiết và một trí tuệ nghiên cứu minh mẫn, uyên thâm. Sự mạch lạc của tư duy nghiên cứu thể hiện ở cách thể hiện rất rõ ràng nhưng hiểu biết về nguồn gốc, đặc điểm địa lý, lịch sử, dòng chảy của dòng sông với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều, lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
Mở đầu bút kí, HPNT khắc họa sông Hương ở khúc thượng nguồn bằng những hình ảnh so sánh độc đáo, thú vị. Cội nguồn dòng chảy của sông Hương chính là dãy Trường Sơn hùng vĩ, sông Hương được ví như “ một bản trường ca của rừng già” và “cô gái Digan phóng khoáng và man dại”. Về đến ngoại vi của thành phố Huế là vẻ đẹp dịu dàng, trầm mặc trong một cách nhìn tổng thể khám phá sông Hương trong mối quan hệ với thành phố Huế. Toàn bộ thủy trình Hương giang về Huế được miêu tả như một cuộc tìm kiếm có ý thức, một tình nhân đích thực của một người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích thì khi chính thức chảy vào lòng thành phố Huế, sông Hương đã thể hiện một niềm xúc cảm sung sướng, hạnh phúc khi được gặp lại tình nhân của mình. Hành trình về đồng bằng của sông Hương là một hành trình đầy gian nan và thử thách. Nó thống nhất với câu chuyện trong tình yêu, hành trình tình yêu trong cuộc đời cũng vậy: phải vượt qua khó khăn, phải kiên trì thì ta mới có cơ hội hưởng thụ tận hưởng tình yêu và hạnh phúc. Tất cả đều được khắc họa bằng ngòi bút rất mực tài hoa lãng mạn, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Trong dáng vẻ của sông Hương những giây phút đầu tiên khi giáp mặt thành phố Huế để gặp gỡ “người tình mong đợi” của nó “sông Hương vui tươi hẳn lên”. Tôi ngỡ rằng dòng chảy ấy đã vui sướng bao nhiêu khi gặp được thành phố tương lai của nó. Đó là một niềm vui dường như ẩn chứa trong đó sự hân hoan, niềm sung sướng không dễ gì giấu được, và chính điều ấy đã tạo nên một màu “xanh biếc” của những biền bãi vùng ngoại ô Kim Long. Đó là một niềm vui rất riêng của một người con gái khi tìm được người tình của mình trong quãng thời gian mong đợi. Nó như tìm thấy đường về, như một người đi xa tìm được đường trở về thành phố, nó không đột ngột chuyển dòng mà “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc” về với người tình trăm năm. Sự tự tin ấy đến từ cảm giác yên tâm của người con gái khi đã tìm đến được với tình yêu, dòng sông biết rằng mình đã đi đúng hướng. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vô cùng tinh tế khi ông có sự phát hiện trong dáng chảy của sông Hương ẩn chứa những nỗi niềm, những tâm sự riêng. Chính sự tài hoa và nhạy cảm đã giúp ông phát hiện ra được góc nhìn thẩm mĩ mà qua đó mọi sự vật hiện tượng hiện lên qua lăng kính của nhà văn đều ẩn chứa những vẻ đẹp độc đáo và bất ngờ. Hành trình của sông Hương khi đến với Huế là hành trình đầy gian nan của một cuộc tìm kiếm có ý thức, để đến được với người tình mong đợi của nó thì sông Hương phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng nó đều vượt qua được hết bằng tất cả sự nhiệt thành, mong đợi, thiết tha và bền bỉ của mình. Sự chủ động của Hương giang làm tôi cứ thấy cái bóng dáng thấp thoáng của cô Kiều trong “Thề nguyền”:
“ Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.
Nguyễn Du đã mô tả một bước chân dẫm đạp lên mọi lề lối của xã hội phong kiến, một người con gái chủ động đi tìm tình yêu của mình. Không phải ngẫu nhiên mà trải dọc bút kí của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn gắn sông Hương với Kiều bởi lẽ dòng sông ấy có nét rất giống Thúy Kiều: vừa có sự nồng nàn, dịu dàng, vừa có cả sự quyết liệt trong tình yêu. Hương giang còn vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời ở nơi cuối con đường. Nhà văn ví chiếc cầu ấy “nhỏ nhắn như những vành trăng non”, như là chiếc cầu nối của sự bình yên, thanh thoát nhẹ nhàng, như một tiếng thở phào nhẹ nhõm của người con gái đã tìm thấy tình yêu sau chặng đường vất vả. Hình ảnh chiếc cầu trắng ấy là điểm nhìn xa thu phóng vào trong mắt biểu tượng đẹp đẽ dịu dàng của thành phố Huế. So sánh “như những vành trăng non” vừa đặc tả sắc trắng vừa đặc tả dáng vẻ của chiếc cầu trên thành phố Huế, quyện hòa với sự dịu dàng mê đắm của sông Hương khi chảy vào thành phố. Cây cầu như một thứ trang sức kín đáo mà sông Hương làm đẹp cho mình, không phô trương mà là một lối làm duyên “rất Huế”.
Dáng vẻ của sông Hương còn được Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt trong tương quan với các dòng sông khác trên thế giới, nơi gót chân phiêu lãng của ông đã đi qua. Từ đó nhà văn đã phóng chiếu cái nhìn đầy cảm xúc để cảm nhận và miêu tả dòng sông từ nhiều góc nhìn. Ông liên tưởng đến sông Seine của Paris, sông Neva của Leningrad, sông Danube của Budapest. Nhà văn có dịp nhớ về những kí ức với những điệu chảy nhanh của sông Neva, chảy trôi qua cung điện Petersburg và đổ ra biển Baltic với những con hải âu đứng một chân lên trên những tảng băng, lao băng băng ra biển lớn, để rồi mượn lại lời của Heraclit “không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Ông quá buồn vì những dòng sông chảy trôi nhanh như thế trên thế giới. Đặt sông Hương cạnh những dòng sông đẹp của nước ngoài, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kín đáo bộc lộ tình yêu quê hương đất nước tha thiết của mình. Sông Hương và những dòng sông nổi tiếng này đều gặp gỡ nhau trên thủy trình của nó là đều chảy trong lòng một thành phố và tạo nên bản sắc riêng cho thành phố mà nó đi qua. Điểm khác của sông Hương là điệu chảy chậm mang chất trữ tình và duy chỉ thuộc về một thành phố, nằm trọn vẹn trong vòng tay của Huế, một dòng sông thủy chung, ân tình, mang đậm vẻ đẹp đặc trưng của người Huế, đất Huế. Nhà văn lấy đường cong nơi cánh cung của sông Hương để ví với một tiếng “vâng” không nói lên thành lời của tình yêu, một người con gái đã thuận lòng yêu nhưng còn bao e ấp, e lệ. Sự duyên dáng, e thẹn của người con gái ấy khiến tôi nhớ đến một hình ảnh trong ca dao xưa:
“Thò tay mà bứt cọng ngò
Thương anh đứt ruột, giả đò ngó lơ.”
Hoàng Phủ Ngọc Tường rất hiểu tâm lí của người con gái. Nét tính cách “giả đò, ngó lơ” ngượng ngùng mà vô cùng nữ tính là một nét đặc trưng của con gái khi yêu. Từ một con sông Hương phóng khoáng, man dại của rừng già bỗng hóa thân thành một người con gái đang yêu. Trong tiếng “vâng” ấy là tâm hồn dịu ngọt của người con gái Huế, kết hợp với một điệu chảy “chậm, thực chậm”, như “một điệu slow tình cảm” dành cho xứ Huế. Dáng vẻ hữu hình của dòng sông được đặt bên cạnh cảm xúc và thái độ của người con gái trong một tiếng “vâng” – một thứ trừu tượng, vô hình, khiến cho vẻ đẹp ấy trở nên mong manh và khó nắm bắt. Một vẻ đẹp mờ nhòe đã tạo nên một Hương giang đẹp một cách mộng mơ trong tâm thức người đón nhận. Những điều bình thường, tuần tự chảy trôi trong cuộc sống thường ngày nhưng dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, bằng sự quan sát tỉ mỉ và khát khao giao hòa với vạn vật, lại được thăng hoa và trở thành những xúc cảm riêng trong lòng người đọc. Trong bút kí “Ngọn núi ảo ảnh” của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chọn góc nhìn và trạng thái quan sát để mô tả sự vật thiên nhiên rất sinh động và tinh tế: “Nắng vàng lạnh, sương phủ khắp khu vườn. Nàng theo tôi ra cổng, dừng lại bên những câu mimosa sáng bừng trong màu hoa vàng tươi; những chùm hoa ở gần nhả hương nồng, giống như mùi phấn hương riêng của những chiếc khăn tay thiếu nữ.” Chắc chắn phải là người có tâm hồn rất rộng mở và đón nhận thì Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có thể lắng nghe được vạn vật với tất cả hiện lên tràn ngập sự sống động như vậy.
Sông Hương với điệu chảy chậm của nó thực sự hiện rõ diện mạo dịu dàng, duyên dáng trữ tình. Ai trong chúng ta cũng biết sông Hương chảy trôi êm đềm hiền hòa khi đến với Huế nhưng không phải ai cũng đủ yêu quê hương, yêu đất nước như Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông lí giải được tại sao sông Hương lại chảy trôi êm đềm đến như vậy. Là bởi vì trước khi vào đến Huế, nó uốn mình qua hai hòn đảo nhỏ là Cồn Hến và Cồn Giã Viên khiến cho lưu tốc của dòng sông chậm lại hẳn, “cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”. Vì những yếu tố địa lí “những chi lưu ấy, cùng với hai hòn đảo nhỏ trên sông” hay là vì Huế “vẫn giữ nguyên dạng một đô thị cổ” mà “lưu tốc của dòng nước” giảm hẳn, nó “trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”. Có lẽ là cả hai lí do. Làm sao giữa một thành phố cổ kính, trầm mặc lại có dòng sông dữ dội, mãnh liệt được? Đây cũng là nét riêng của sông Hương. Nó khác với các dòng sông của nước ta và càng khác dòng Neva của Leningrad cuồn cuộn trôi khiến người ta vội vàng, nuối tiếc. Rất nhiều người yêu Huế, yêu sông Hương bởi “điệu lặng lờ của nó”:
Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu. (Thu Bồn)
Con sông nửa thực nửa mơ/ Nửa mong Lí Bạch nửa chờ Khuất Nguyên (Nguyễn Trọng Tạo)
Dòng sông cứ chùng chình như chờ, như đợi, như mơ màng, suy ngẫm, như muốn lưu lại hết những giá trị cổ xưa, những đêm rằm tháng bảy với “trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh”. Quyến luyến không muốn rời xa nên trước khi ra biển, dòng sông “như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Đã tìm đúng đường về nên khi phải đi chắc chắn là dùng dằng, nuối tiếc. Sông Hương làm đẹp cho Huế và Huế cũng khiến sông Hương mang vẻ đẹp riêng không thể lẫn với bất kì dòng sông nào. Như vậy sông Hương không chỉ là người đẹp, mà còn là người có tâm hồn, có tâm hồn sâu nặng như chính con người xứ Huế vậy. Miêu tả dòng sông lặng lờ như không chảy nên nhịp điệu câu văn chậm rãi, đó là một điệu slow rất Huế trong văn xuôi. Khác với một Nguyễn Tuân đầy góc cạnh, gai góc, văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đậm chất thơ thi vị, ngọt ngào, sâu lắng. Nếu như các nghệ sĩ nhìn điệu lặng lờ của sông Hương mà nghĩ tới tâm trạng “dùng dằng”, tâm trạng mong chờ của con người, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường có những liên tưởng riêng, độc đáo.
Nhà giáo Phạm Phú Phong đã từng viết như một sẻ chia: “Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đưa người đọc xuôi theo dòng sông thơm ngát hương hoa, bằng chiếc thuyền tâm hồn mình, có mái chèo là ngòi bút lặng lẽ, miệt mài.” Và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã xuôi theo dòng chảy của Hương giang tạo nên dòng xúc cảm thường trực và chảy tràn vào trong trang giấy trắng. Chỉ vài trang văn, có thể thấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã miêu tả lại một cách chi tiết, sinh động và độc đáo về thủy trình của sông Hương khi chảy vào thành phố Huế. Sức hấp dẫn của bút ký này được tạo nên bởi hệ thống ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi cảm, vốn hiểu biết uyên bác và một lối diễn đạt mê đắm tài hoa, ngọt ngào như hương vị của hoa trái cỏ cây xứ Huế. Hình ảnh thơ mộng, hư ảo đậm chất tình xuất phát từ trái tim của nhà văn có óc quan sát tinh tường và tâm hồn nhạy cảm với vốn kiến thức phong phú được khảo cứu một cách công phu. Điều đó đã tạo cho thể ký nói chung và ký Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng một sự công phá diệu kỳ vào trái tim độc giả.
Tài năng là một phần, cái yếu tố tiên quyết trong nghệ thuật vẫn là tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu đậm. Những cảm xúc ấy chỉ là một số ít trong rất nhiều những biểu hiện của tình cảm gắn bó yêu thương đối với sông Hương mà nhà văn đã trực tiếp nói ra và kín đáo thể hiện. Như Ilia Erenbua đã từng viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vonga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành tình yêu Tổ quốc…”, tình cảm đối với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là tình cảm đối với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở nồng cháy của một cái tôi rất mực tài hoa, trữ tình – nghệ sĩ mang đậm chất Huế. Tôi còn nhớ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết trong văn phẩm có lẽ cuối cùng trong đời ông, thiên bút ký “Lời tạ từ của dòng sông” như sau: “Như một người chiêm nghiệm trong im lặng và trong khói sương chỉ để giữ lại nét sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một người cầm bút, tôi đã không ngần ngại gởi tâm hồn của mình vào tác phẩm, vẽ lại cho đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc như một lóe vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô”. Từ những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy trong cuộc đời, sự quan sát tỉ mỉ trong đời sống thiên nhiên vạn vật, ông đã gửi gắm bản ngã riêng của mình trong dòng nước, tâm hồn của nhà văn đã in dấu vào sông nước, cảm nghiệm của nhà văn đã in vào mặt nước sông Hương và văn hóa Huế. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã bộc lộ không chỉ một cái tôi hiểu biết, ham tìm hiểu mà còn là một cái tôi rất mực tinh tường và vô cùng sâu sắc trong những khám phá, tìm hiểu chiều sâu văn hóa, tinh thần, tâm hồn con người xứ Huế và của sông Hương. Bút ký của ông là “một bài thơ văn xuôi” mang chất thơ giàu cảm xúc về một con sông quê hương gợi cảm mà “không thể hiểu được chỉ bằng cái nhìn bề ngoài hời hợt”. Sông Hương trong cách nhìn tài hoa uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường không đơn thuần là một con sông địa lí mà nó còn có một cuộc đời trong trang sách nhờ đi qua kinh nghiệm và trí tưởng tượng của tác giả. Tất cả những điều đó chính là nét độc đáo trong cái nhìn của tác giả về thiên nhiên đất nước mà ông đã kín đáo gửi gắm trong thiên bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.
KẾT BÀI:
Nhà thơ Rasul Gamzatov trong “Dagestan của tôi” đã từng tưởng tượng ra viễn cảnh nếu cuộc đời không có thơ ca: “Cây sẽ xám đen, trơ trụi, khô gầy,/ Tháng mười một trống trơn, mùa xuân không trở lại./ Và con người sống nghèo nàn, hoang dại,/ Sẽ không một ai biết hát bao giờ!”. Dù thơ ca nói riêng hay văn chương nghệ thuật nói chung thì viễn cảnh đó đều có thể xảy ra. Nhưng khi đến với áng văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, cảm nhận được dòng chảy của sông Hương khi chảy vào thành phố tình tự của nó, giống như một hình thức tưới tắm tâm hồn, nhận ra rằng cuộc đời chúng ta còn rất nhiều điều giá trị, cây sẽ chẳng “xám trụi, khô gầy” được đâu, mùa xuân sẽ còn quay trở lại, neo đậu và đơm hoa trong lòng mỗi chúng ta, và con người sẽ luôn luôn biết hát lên những khúc ca về tình yêu cuộc sống, tình yêu con người vì chúng ta ngày hôm nay còn ở đây và thưởng thức những giá trị văn chương như vậy.
%d bloggers like this: